Nguyên nhân tại sao và cách xử lý gạch bị bong tróc, không bám dính với nền

Hiện trạng gạch lát nền bị bong tróc, không bám dính sau khi thi công diễn ra khá phổ biến tại các công trình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng mà còn gây tốn kém thời gian và công sức sửa chữa.

Để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này, hãy cùng Sakan đi đến một trong những trường hợp cụ thể và các cách khắc phục hiệu quả thông qua bài viết dưới đây.

Hiện trạng

Tình trạng gạch bị bong tróc, không bám dính với nền trong trường hợp này nằm ở khu vực nội thất căn hộ. Hiện trạng thực tế của mặt sàn sau khi được bàn giao sử dụng xuất hiện tình trạng bị bộp, bong tróc và không bám dính với bề mặt sàn. Nếu không phát hiện và khắc phục kịp thời, bề mặt gạch rất dễ bị nứt vỡ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ an toàn trong quá trình sử dụng.

Gạch lát nền được sử dụng thực tế ở dự án là loại gạch Porcelain, kích thước 600×600 mm, độ hút nước < 0.5%. Đây là một trong những loại gạch cao cấp, có độ bền cao, khả năng chống thấm và chịu nhiệt rất tốt.

Khi phát hiện gạch bị bong tróc, khách hàng đã tiến hành đục lên và phát hiện lớp keo dán gạch hoàn toàn không bám dính với bề mặt viên gạch.

Nguyên nhân

Trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng keo dán gạch để thi công ốp lát nhưng gạch vẫn bị bong tróc, không bám dính nền như hiện trạng trên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

Tiến hành ốp gạch khi nền chưa đạt cường độ:

Đặc điểm chung của vữa xi măng cán nền là mức độ hút nước rất nhiều và rất nhanh.

Do đó, nếu tiến hành ốp lát trên lớp nền mới cán, vẫn còn đang trong quá trình phát triển và chưa đạt cường độ đủ sẽ rất dễ làm giảm độ bám dính của gạch.

Nguyên nhân là do lúc này lớp keo có xu hướng bám dính về phía nền thay vì liên kết với gạch. Kết quả là gạch ốp lát rất dễ bị bộp sau khi hoàn thiện thi công.

Tình trạng này xuất hiện rất phổ biến với những công trình tiến hành lát gạch chỉ sau 3 ngày cán nền.

Không làm ẩm nền trước khi tiến hành lát gạch:

Như Sakan đã nhắc đến về đặc điểm của nền vữa xi măng với độ hút nước cao, nếu trước khi ốp gạch, thợ thi công không tiến hành làm ẩm để bão hòa độ hút nước sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng keo và gạch ốp lát bị giảm độ bám dính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất phổ biến khiến gạch nội thất bị bong tróc, không bám nền.

Không dùng bay răng cưa, không trát thêm keo lên mặt gạch theo khuyến cáo đối với gạch khổ lớn:

Bay răng cưa là một trong những dụng cụ thi công ốp lát cần thiết, đặc biệt là khi sử dụng thi công ốp lát với keo dán gạch. Do đó, nếu thi công ốp lát không sử dụng bay răng cưa sẽ khiến keo không được dàn đều trên bề mặt ốp lát, dẫn đến độ dày lớp keo không đủ tiêu chuẩn, từ đó làm giảm độ bám dính ban đầu.

Ngoài ra, với các loại gạch cỡ lớn, nhà sản xuất thường sẽ được khuyến cáo trát thêm keo ở mặt sau để đảm bảo bám dính tốt hơn. Nếu bỏ qua bước này, gạch ốp lát cũng rất dễ bị bong tróc.

Trộn keo dán gạch với xi măng:

Một số đơn vị muốn tiết kiệm chi phí nên thường tiến hành trộn keo dán gạch với xi măng. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm giảm độ bám dính của keo, dẫn đến tình trạng nền gạch ốp lát bị bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng do đặc điểm hoá học của hai loại vật liệu xây dựng này là hoàn toàn khác nhau.

Giải pháp

Đối với từng nguyên nhân gây bong tróc gạch được đề cập ở trên, sẽ có các giải pháp tương ứng phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Trước khi tiến hành thi công ốp lát, cần đảm bảo bề mặt nền cán đạt được cường độ phù hợp. Thông thường, độ chịu nén tốt nhất của nền nên đạt khoảng 7.5 Mpa hoặc chờ tối thiểu 7 ngày kể từ ngày cán nền mới tiến hành ốp lát.

  • Cần đảm bảo bề mặt nền và mặt sau gạch được vệ sinh sạch sẽ, không lẫn tạp chất. Điều này sẽ giúp keo phát huy tối đa khả năng bám dính, tăng cường độ bền chắc cho công trình.

  • Trước khi ốp gạch, cần chắc chắn bề mặt nền đã đủ ẩm, độ hút nước bão hòa để tránh tình trạng hút ngược nước từ keo xuống sàn. Tuy nhiên, cần lưu ý sàn phải no nước nhưng không còn đọng nước thừa vì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến độ bám của keo.

  • Keo dán gạch cần được trộn theo đúng tỷ lệ khuyến cáo trên bao bì. Thông thường, tỷ lệ chuẩn của các loại keo dán gạch Weber sẽ là 1 nước : 3 keo.

  • Nên sử dụng bay răng cưa để thi công nhằm đảm bảo bề mặt keo được dàn đều đồng thời giảm tối đa lượng bọt khí trong keo. Đối với việc sử dụng bay răng cưa sẽ giúp hạn chế được tối đa tình trạng keo dán gạch sau khi lưu hóa còn tồn nhiều bọt khí dẫn đến tình trạng bị ộp rỗng, dễ nứt vỡ do ngoại lực trong quá trình sử dụng.

  • Với các loại gạch ốp lát cỡ lớn, nên trát thêm một lớp keo mỏng lên bề mặt sau gạch. Việc làm này sẽ đảm bảo độ bám dính tối đa của gạch với mặt sàn, hạn chế cong vênh, nứt vỡ sau khi hoàn thiện.

  • Có thể tiến hành chà ron sau khi ốp lát khoảng 24 giờ để đảm bảo keo có thời gian lưu hóa hoàn toàn.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng gạch bị bong tróc, không bám dính với nền sau khi thi công. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều có thể hạn chế được ngay từ bước triển khai ốp lát. Hy vọng rằng với những giải pháp mà Sakan đưa ra thông qua bài viết trên sẽ giúp thầu thợ khắc phục được tối đa các vấn đề thường gặp khi ốp lát gạch sàn, để đảm bảo công trình bền vững theo thời gian.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *